Quảng Ninh tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW

07/07/2023 15:19

Những năm qua, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm ở Quảng Ninh đã có chuyển biến tích cực; nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác an toàn thực phẩm đối với đời sống, sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được nâng lên rõ rệt. Đã có nhiều tổ chức, cá nhân hiểu, thực hiện tương đối tốt nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các quy định, pháp luật về an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm được sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã trách nhiệm, kịp thời tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Công tác quản lý nhà nước và bảo đảm an toàn thực phẩm ở tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều tiến bộ, hiệu lực, hiệu quả tăng lên.

Kế thừa những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế trong thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và để triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư “về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” theo Hướng dẫn số 82-HD/BTGTW ngày 02/12/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 280-KH/TU ngày 27/3/2023 thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW. Tỉnh ủy đã giao cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trực tiếp là người đứng đầu thực hiện: (1) Phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; (2) Xác định an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi và sự phát triển bền vững của tỉnh, để đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; (3) Phải cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, phân công nhiệm vụ rõ việc, rõ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tiễn theo chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; (4) Tổ chức triển khai thực hiện gắn với tăng cường kiếm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-BCLNATTP, cụ thể hóa kế hoạch của Tỉnh ủy, các địa phương tích cực triển khai kế hoạch của Tỉnh ủy theo kế họach của UBND tỉnh. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.  

Xác định tuyên truyền đi trước một bước, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 81-HD/BTGTU ngày 09/01/2023 định hướng nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW. Theo đó việc quán triệt, tuyên truyền công tác an ninh, an toàn thực phẩm cần thực hiện thường xuyên, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy  đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, kế hoạch của Tỉnh ủy và các chỉ đạo của cấp trên về an ninh, an toàn thực phẩm đến cấp cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Các cấp ủy đảng, chính quyền trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm sát thực tiễn; các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương đã, đang tích cực triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW.

Theo Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh, từ khi thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn trên 30 người mắc, không xảy ra dịch bệnh truyền qua thực phẩm đối với 1,3 triệu người dân của tỉnh và trên 10 triệu lượt khách du lịch, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn, tập trung và duy trì trên 1.069,98 ha diện tích vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; 45 ha diện tích đất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; 420 cơ ở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP....); 25 vùng trồng cây ăn quả; 05 cơ sở đóng gói quả tươi; 15 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 59 loại sản phẩm. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn được triển khai, với trên 80 cơ sở với trên 100 sản phẩm tham gia được nhân dân đánh giá cao. Kết nối sản xuất, cung ứng với tiêu thụ sản phẩm an toàn có trên 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản tham gia. Quảng Ninh đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, bước đầu đáp ứng nhu cầu của người dân; đặc biệt, chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn đã được hình thành, phát triển khá nhanh, từng bước tạo lập được niềm tin của người tiêu dùng. Triển khai mô hình điểm “chợ bảo đảm an toàn thực phẩm”; mô hình “xây dựng phát triển hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi cung cấp hàng hóa, thực phẩm bảo đảm an toàn, kết hợp với quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP”; mô hình “sản xuất an toàn, nhân rộng, mở rộng các chuỗi đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, VietGap), nông nghiệp hữu cơ”... Hiện nay đã có trên 420 cơ sở áp dụng GMP, SSOP, VietGap.   

Chỉ thị số 17-CT/TW ban hành được hơn nửa năm, khẳng định sự kế thừa kết quả thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, là cơ sở quan trọng để các ngành, các cấp tiến hành ngày càng hoàn thiện, thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.   

Phạm Văn Điệp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 662
Đã truy cập: 3297651