Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự Việt Nam

25/11/2014 14:00
 Chiến tranh giải phóng của dân tộc chống thực dân, đế quốc là một cuộc chiến của kẻ yếu chống kẻ mạnh. Muốn giành thắng lợi, không thể chỉ dựa vào ý chí mà phải có lối đánh rất tài giỏi; quyết đánh, nhưng lại phải biết cách đánh và biết thắng bằng nghệ thuật của chiến tranh nhân dân.

 Trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, xuyên suốt là nghệ thuật vận dụng phương pháp luận tiến công trong đánh giá so sánh lực lượng địch - ta; phán đoán đúng âm mưu, thủ đoạn của đối phương; xác định phương án tác chiến tối ưu để đánh thắng địch. Nghệ thuật tiến công địch trong tư tưởng quân sự của Người thể hiện ở chỗ, lúc thì “dĩ dật đái lao”, lấy cái sung sức của lực lượng tại chỗ thắng cái mệt mỏi của địch từ xa tới; khi thì đưa một bộ phận vào vòng sau lưng địch phát động chiến tranh du kích; lúc lại vận dụng nguyên tắc “tập trung lực lượng”, tạo thế áp đảo trong thời cơ quyết định. Quan điểm của Người là đánh phải chắc thắng, tuyệt đối không chủ quan, khinh thường; giành thắng lợi lớn mà ít tốn xương máu. 


Nghệ thuật quân sự, theo tư tưởng của Người, là nghệ thuật tạo lực, lập thế, tranh thời; biết đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế, lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông. Lực ở đây là sức mạnh tổng hợp: chính trị và quân sự, tiền tuyến và hậu phương, dân tộc và thời đại. Người dạy: “Quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực”(1). Người khẳng định: “Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa”(2).

Người rất coi trọng vấn đề tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ. Tư tưởng đó được biểu hiện rõ trong bài thơ “Học đánh cờ” (Trong tập thơ Nhật ký trong tù): “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời, một tốt cũng thành công”. Người kịp thời hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao - Bắc - Lạng khi nhận định: thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Còn khi thời cơ xuất hiện, Người lập tức chỉ thị: “Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”(3) (Cách mạng Tháng Tám năm 1945). Người luôn nhấn mạnh phải biết đánh  biết không đánh nếu thời cơ chưa lợi, nếu chưa thật chắc thắng, không mạo hiểm, phiêu lưu.

Tư tưởng của Người về thời, thế, lực làm cho lực lượng kháng chiến nhỏ hóa thành to, yếu chuyển thành mạnh, càng đánh càng thắng. Theo Người, đó là nghệ thuật quân sự: động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, toàn dân đánh giặc.

Truyền thống “cả nước đấu sức lại mà thắng”, “trăm họ đều là binh” của dân tộc đã được Người phát triển trong thời đại mới thành “Mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài”(4), “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(5). Người nêu rõ: phải đem sức ta mà giải phóng cho ta. Mỗi người dân Việt Nam bất kỳ già, trẻ, gái, trai, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều phải trở thành một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Quân sự là việc chủ chốt trong kháng chiến.

Người chủ trương đánh bằng chính trị và vũ trang; đánh cả trước mặt và sau lưng địch, tiêu diệt và làm tan rã tinh thần địch; cả tiền tuyến và hậu phương đều thi đua giết giặc lập công. Nói một cách khác, nét độc đáo ở nghệ thuật quân sự trong tư tưởng của Người là kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị; tấn công địch bằng đánh du kích và đánh chính quy ở tất cả các địa bàn rừng núi, nông thôn, đồng bằng, thành thị. Đánh du kích theo tư tưởng của Người là: “Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc”, du kích không phải là “du” mà phải: trụ bám, bám dân, bám địch mà đánh. Chiến tranh du kích phát triển lên chiến tranh chính quy; chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Trong tư tưởng của Người, đánh du kích và đánh chính quy đều phải quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, cả nước đánh giặc bằng sức mạnh tổng hợp: đánh bằng quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao,... và hiệp đồng chặt chẽ các mặt trận ấy với nhau. Kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ. Tiêu diệt địch phải đi đôi với làm tan rã hàng ngũ địch, đập tan dã tâm xâm lược của chúng bằng cách kết hợp giữa tấn công sức mạnh với tiến công binh vận, địch vận.

Trong nghệ thuật quân sự, Người luôn luôn nhấn mạnh đến “cách đánh phải rất tài giỏi”. Đối với cách đánh du kích, Người dạy: “Ta biết rõ giặc, giặc không rõ ta. Đi nhẹ không tăm, về làng không tiếng, tiến nhanh như gió, thoái kín như đêm. Phục giặc không biết, đánh giặc không ngờ”(6). Đối với cách đánh chính quy, Người căn dặn: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng”(7).

Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự Việt Nam chính là, đánh với bọn đế quốc đầu sỏ phải biết tạo lực, lập thế, tranh thời; biết đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh; biết khởi đầu và kết thúc chiến tranh; biết kiềm chế địch, thắng chắc từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đó cũng là quy luật của chiến tranh cách mạng Việt Nam, quy luật của một nước thuộc địa đánh thắng một nước đế quốc. Đối với chúng ta, đó là sự kế thừa và phát triển tinh thần “lấy đoản binh thắng trường trận” lấy “yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều” trong truyền thống quân sự oanh liệt của tổ tiên với nội dung mới và đầy sáng tạo, “một sự thay đổi về chất” trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đặc điểm nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự là “lấy nhỏ thắng lớn”. Chính tư tưởng quân sự đó đã động viên được sức mạnh của cả dân tộc, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân đến trình độ cao, đánh bại thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu. Tướng Xa-lăng (quân đội Pháp) đã phải thốt lên: tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân phải kể họ (Việt Nam) là bậc thầy. Tư tưởng đó cũng đã động viên được sức mạnh của cả nước đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào; với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4-1975) giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều học giả Mỹ và phương Tây đã coi chiến tranh nhân dân Việt Nam là câu chuyện thần kỳ của thế kỷ XX. Trong cuốn tự truyện “Những năm tháng ở Nhà Trắng”, Kít-xinh-gơ (cựu ngoại trưởng Mỹ) đã viết: “Tướng Oét-mô-len đã lao vào cuộc chiến tranh với một niềm lạc quan tự tin để rồi rút lui trong tâm trạng hỗn độn và thất vọng. Bị cột chặt trong những hạn chế không có tiền lệ trong sách vở, phải đương đầu với một kẻ địch có một chiến lược không được dạy trong các trường sĩ quan của chúng ta (Mỹ), ông nhanh chóng rơi vào một cái bẫy, đã trở thành một hiểm họa của các chỉ huy Mỹ trong một cuộc chiến tranh, lấy hậu cần thay cho chiến lược”... Còn báo Mỹ và phương Tây thì đưa tin và bình luận về thất bại của Mỹ ở Việt Nam, coi chiến tranh Việt Nam là một sự kiện vĩ đại đã vượt quá phạm vi của một nước và vượt quá thời gian (so với lịch sử nước Mỹ) và Mỹ đã phải đương đầu với một đối thủ - du kích Việt Nam tài tình nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự mà cốt lõi là chiến tranh nhân dân Việt Nam là sự kế thừa đầy sáng tạo truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc. Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam đã thăng hoa trong hai cuộc kháng chiến đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; và sẽ mãi là ngọn cờ chiến đấu và chiến thắng./.

----------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 12, tr. 455
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 151
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.3, tr. 506
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 655
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, t. 4, tr. 480, Hà Nội, 2009
(6) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Hồ Chí Minh - Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 127
(7) Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Bộ Tư lệnh Quân khu II, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bài học và giá trị lịch sử, Điện Biên Phủ, 2009, tr. 2


Cao Thượng LươngThiếu tướng, PGS, TS, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghệ thuật quân sự Việt Nam


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 426
Đã truy cập: 3297415