“Xây dựng ngành than Quảng Ninh trở thành ngành kinh tế gương mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

20/12/2013 10:00
 Qua hằng trăm năm hoạt động, nhất là 50 năm qua, ngành Than đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, Tạp chí Cộng sản điện tử trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Viết Cường, Phó Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh chung quanh vấn đề này.


PV: Thưa đồng chí, nói đến Quảng Ninh thường là nói đến ngành Than; và nói đến ngành Than là nghĩ đến Quảng Ninh. Vì sao có thể như thế?

Đồng chí Vũ Viết Cường: Ngành Than có lịch sử hằng trăm năm, đóng góp nhiều cho đất nước, đặc biệt trong sự nghiệp phát triển của tỉnh Quảng Ninh, nơi được đồng bào cả nước biết đến là “Đất mỏ”. Đảng ủy Than Quảng Ninh luôn tâm niệm, mối quan hệ giữa ngành than và tỉnh là mối quan hệ rất chặt chẽ, “máu, thịt” không thể tách rời. Bởi vậy, không cần nói nhiều thì mọi người cũng hiểu rằng ngành Than quan trọng như thế nào đối với Quảng Ninh. Hiện nay, than khai thác đóng góp 1/3 GDP và hơn một nửa ngân sách hằng năm của tỉnh, đây cũng là ngành quan trọng của cả nước, gắn liền với an ninh năng lượng quốc gia. Mọi bài toán về mô hình phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh thời kỳ nào cũng phải tính đến sự phát triển của ngành Than. Những năm qua, ngành Than “Từ tài nguyên, khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hài hoà với địa phương, cộng đồng, với đối tác, bạn hàng; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần công nhân viên chức”. Tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước từ 5 - 15%, giai đoạn năm 2010 - 2011 có tăng trưởng cao nhất. Năm 2011, doanh thu đạt 109.333 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2010. Năm 2012 đến nay, kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam suy giảm chưa có dấu hiệu phục hồi; Nhà nước áp dụng một số loại thuế, phí với Ngành Than tăng. Tuy nhiên, các đơn vị và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã khắc phục khó khăn. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức sản xuất, cơ chế quản lý sản xuất kinh doanh. Chú trọng đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại cho công nhân mỏ. Do vậy, doanh thu toàn Tập đoàn năm 2012 đạt: 97.908 tỷ đồng, bằng 90% so với năm 2011; 9 tháng đầu năm 2013, doanh thu ước tính 68.630 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2012. Thu nhập bình quân của cán bộ công nhân ngành Than là 7,2 triệu/người/tháng.

Ngành Than ổn định và từng bước phát triển, đời sống thợ mỏ được bảo đảm, nhờ vậy, đời sống kinh tế - xã hội của Quảng Ninh cũng ổn định, phát triển. Nếu ngành Than gặp khó khăn, thì tỉnh cũng khó khăn, đời sống của thợ mỏ bị ảnh hưởng, hệ lụy của nó là số đông dân số Quảng Ninh bị ảnh hưởng theo, kinh tế - xã hội Quảng Ninh cũng khó phát triển. Do vậy, phát triển ngành Than không chỉ là phát triển kinh tế, mà còn là bảo đảm vấn đề chính trị - xã hội của tỉnh.

Điều cần nhấn mạnh là, cùng với điện, dầu khí, thì than là một trong những loại năng lượng của quốc gia. Xác định rõ vị trí của mình trong việc góp phần vào việc ổn định an ninh năng lượng quốc gia, những năm qua, ngành Than tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt của mình. Các dự án điện của Tập đoàn vẫn được duy trì phát triển và vận hành tốt. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2013, các nhà máy điện đều vận hành ổn định với công suất cao, tổng sản xuất điện đạt 6,2 tỷ KWh, bằng 73% kế hoạch và 142% so với cùng kỳ 2012. Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê bước vào vận hành thương mại sớm hơn tiến độ 2,5 tháng, được huy động tối đa công suất và vận hành ổn định. Các dự án điện vẫn được đầu tư xây dựng, như: Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2, Nhiệt điện Cẩm Phả 3, Nhiệt điện Hải Phòng 3.

PV: Quảng Ninh là cái nôi của phong trào công nhân mỏ, là chỗ dựa vững chắc của Đảng ta những ngày đầu thành lập, đồng chí nói rõ hơn về đóng góp của ngành trong công tác xây dựng Đảng của Quảng Ninh?

Đồng chí Vũ Viết Cường: Đảng bộ Than Quảng Ninh hiện nay là đảng bộ tương đương cấp huyện, trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ninh, số lượng đảng viên lớn với 19.268 đảng viên, chiếm 1/3 đảng viên toàn tỉnh, sinh hoạt ở 44 tổ chức cơ sở đảng, trong đó: 39 đảng bộ cơ sở và 5 chi bộ cơ sở; 32 đảng bộ phận gồm 1.040 chi bộ trực thuộc. Trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy các cấp thường xuyên chú trọng việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định theo quy định của cấp trên, phù hợp với thực tiễn của đơn vị. Do đó, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, thống nhất ý chí và hành động trong hệ thống chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đảng bộ Than Quảng Ninh chú trọng làm tốt cả ba mặt, chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Công tác tuyên giáo được các cấp uỷ đảng hết sức coi trọng và đổi mới trên nhiều mặt, nhất là các biện pháp tuyên truyền phù hợp với thực tế, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước tới từng cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức tạo nên sự đồng thuận, nâng cao tinh thần khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Đảng ủy chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, với các chủ đề hằng năm của Trung ương. Thực hiện Quy định số 600 - QĐ/ĐU của Đảng ủy, các cơ sở đảng xây dựng tiêu chí, chuẩn mực đạo đức trong đảng bộ mình một cách cụ thể và phù hợp.

Từ năm 2010 đến nay, Đảng bộ kết nạp 4.854 người vào đảng, tăng trưởng bình quân hằng năm 6,9% so với tổng số đảng viên đầu kỳ, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ III đề ra là 5%/năm. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên trong toàn Đảng bộ được thực hiện nghiêm túc. Qua kiểm tra cho thấy, 100% số chi bộ phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên. Trên cơ sở đó, đảng viên thấy rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chi bộ giao. 

Công tác sinh hoạt chi bộ được cấp ủy các cấp duy trì theo quy định; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, nhất là sinh hoạt theo chuyên đề; chú trọng chỉ đạo thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ. Chương trình thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, được Đảng ủy Than Quảng Ninh nghiêm túc chỉ đạo, 14 đơn vị được gợi ý kiểm điểm sâu. Hết tháng 12-2012, tổng số 44 chi, đảng bộ cơ sở và Đoàn Than Quảng Ninh tổ chức kiểm điểm xong (hoàn thành 100%); bước đầu đã có kết quả tích cực trong toàn Đảng bộ, nhất là sự tiếp thu ý kiến, góp ý một cách nghiêm túc, cầu thị của cấp ủy viên các cấp, đã góp phần trực tiếp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đến đảng viên, cán bộ, công nhân viên. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Sau kiểm điểm, nghiêm túc xử lý kỷ luật 3 tổ chức đảng và 21 đảng viên. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên những năm gần đây được thực hiện bài bản, thận trọng, khách quan.

PV: Thưa đồng chí, là một ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế Việt Nam, đồng nghĩa với điều đó là bảo đảm trách nhiệm xã hội một cách hiệu quả và phù hợp. Vậy công tác bảo đảm an sinh xã hội trong những năm qua của ngành than được thực hiện ra sao?

Đồng chí Vũ Viết Cường: Ngành Than Quảng Ninh có vị trí quan trọng trong việc cùng địa phương bảo đảm an sinh xã hội. Toàn ngành Than có 140 nghìn lao động thì riêng tại Quảng Ninh gần 120 ngàn lao động. Tạo việc làm cho 120 ngàn lao động, giảm sức ép về lao động và các tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn trật tự xã hội trên địa bàn. Với mức lương trung bình hiện tại của ngành là 7,2 triệu đồng/người/tháng; tại Quảng Ninh thu nhập khoảng 7,5 - 7,8 triệu đồng/người /tháng, đây là động lực không nhỏ thúc đẩy hoạt động xã hội của Quảng Ninh phát triển.

Ngoài việc chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên, Đảng ủy Than Quảng Ninh cũng rất chú trọng hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo. Các đơn vị thành viên hỗ trợ thường xuyên cho 17 xã nghèo thuộc các huyện biên giới, miền núi của tỉnh để xây dựng kết cấu hạ tầng, ủng hộ các quỹ nhân đạo từ thiện, trợ giúp đồng bào bị thiên tai.

Thực hiện Nghị quyết số 01 - NQ/TU, ngày 27-10-2010, của Tỉnh ủy Quảng Ninh về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy Than Quảng Ninh ban hành Chương trình hành động số 12 CTr/ĐU, ngày 10-01-2010. Theo đó, các doanh nghiệp trong Đảng bộ Than Quảng Ninh, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lập quy hoạch, phát triển địa phương như: Than Mông Dương, Than Mạo Khê,...; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với phát triển đô thị, xây dựng trường, đường tiểu mạch (xây dựng trường học huyện Đông Triều và Cẩm Phả); xây dựng cầu dân sinh Mông Dương; đường tiểu mạch một số xã thuộc huyện Đông Triều. Công ty Than Hà Tu trang bị 21 máy tính, làm 625 mét đường bê tông trị giá gần một tỷ đồng, hợp đồng mua nông sản của huyện Ba Chẽ. Các Công ty Than Cọc Sáu, Công nghiệp ô tô, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, Than Hòn Gai, Núi Béo, Uông Bí,... hỗ trợ hàng chục tỷ đồng hằng năm ủng hộ các huyện, thị, thành phố trên địa bàn trong việc xây dựng nông thôn mới.

Nhân kỷ niệm 50 năm Quảng Ninh xây dựng và phát triển, Ngành Than hỗ trợ kinh phí hơn 12 tỷ đồng để mở rộng đường bao biển Cửa Ông - Vân Đồn; hơn 150 tỷ đồng và nhiều ca xe máy, nhiều ngày công để phục vụ kéo điện lưới ra đảo Cô Tô.

Theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ, mỗi năm Tập đoàn trích hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các huyện nghèo (Mèo Vạc - Hà Giang, Ba Bể - Bắc Kạn, Đam Rông - Lâm Đồng). Tính trong giai đoạn 2010 - 2013, số tiền Tập đoàn dành cho công tác an sinh xã hội đạt trên 500 tỷ đồng.

PV: Thợ mỏ của Quảng Ninh đã tạo dựng nên những nét văn hóa rất riêng. Đồng chí có thể khắc họa những điểm chủ yếu văn hóa ngành than?

Đồng chí Vũ Viết Cường: Ngay từ đầu, Đảng bộ Than Quảng Ninh đã thống nhất một tư tưởng chỉ đạo là phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa - xã hội. Hai nhiệm vụ này phải đi song hành với nhau. Nếu chỉ phát triển kinh tế mà không phát triển văn hóa thì kinh doanh không thể bền vững; và ngược lại, nếu chỉ quan tâm đến phát triển văn hóa, xa rời phát triển kinh tế thì văn hóa lại không có cơ sở, không có điều kiện phát triển. Vì vậy, muốn kinh doanh bền vững thì phải phát triển hài hòa cả kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp.

Bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của những người thợ mỏ, không ai có thể vẽ nên đầy đủ là như thế nào. Nhưng hằng trăm năm qua, chính trong cuộc sống dù gian khó, cực nhọc mà những người thợ mỏ càng luôn sát cánh bên nhau, đùm bọc nhau, chia sẻ với nhau từng hạt muối, nắm cơm; chia sẻ cùng nhau từng niềm vui, nỗi buồn, cưu mang giúp đỡ khi có người gặp hoạn nạn, khó khăn và gắn bó với nhau trong một cộng đồng, dựng lên những làng mỏ ngay chốn đô thành như: làng mỏ Cao Sơn, làng mỏ Mạo Khê, làng mỏ Mông Dương, làng mỏ Vàng Danh… Và chính sự gắn kết đặc biệt, ngày càng son sắt của những người thợ mỏ đã tạo thành bản sắc riêng biệt, “bản sắc văn hóa người thợ mỏ Việt Nam”. 

Đảng ủy Than Quảng Ninh cũng xác định, phải xây dựng văn hóa công nhân mỏ, xây dựng môi trường văn hóa mỏ từ đó làm cơ sở phát triển sự nghiệp văn hóa của công nhân mỏ Quảng Ninh. 

PV: Thưa đồng chí, thời gian vừa qua ngành than gặp phải những khó khăn trong xuất khẩu. Vậy trước tình hình đó, Đảng ủy Than Quảng Ninh và Tập đoàn định hướng ra sao và có những giải pháp gì để đưa ngành than vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Đồng chí Vũ Viết Cường: Ngay từ đầu năm 2013, Tập đoàn và Đảng ủy Than Quảng Ninh đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp điều hành kế hoạch 2013; ổn định sản xuất, giữ thu nhập cho công nhân trên cơ sở cân đối hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng cường thu hồi, nâng cao chất lượng sản phẩm; tiết giảm các chi phí đầu vào cho sản xuất; rà soát tiết kiệm chi phí đầu tư. Cụ thể là:

Huy động tối đa sản lượng than của các đơn vị có giá thành thấp, đơn vị có chất lượng than tốt để tiêu thụ, gánh cho các đơn vị có điều kiện khai thác khó hơn. Đối với các đơn vị điều kiện khai thác khó khăn có giá thành kế hoạch cao, đơn vị có chất lượng than thấp, tạm thời huy động ở mức thấp hơn để ổn định việc làm cho người lao động (20 - 23% kế hoạch năm, đồng thời chỉ đạo các biện pháp giảm giá thành để tăng sản lượng tiêu thụ).

Yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát tập trung chế biến sâu để nâng cao chất lượng than sản xuất so với kế hoạch giao; tối ưu các chỉ tiêu công nghệ, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013; tích cực tìm các giải pháp trong quản lý để tiết giảm chi phí quản lý từ 10 - 20%, giảm chi phí vật tư, tăng năng suất lao động,… để thực hiện mục tiêu tiết giảm 5% tổng chi phí. Các đơn vị có giá thành vượt giá bán thị trường phải giảm ở mức cao hơn. 

Tối ưu hoá các chỉ tiêu công nghệ để giảm áp lực giá thành, tăng tỷ lệ thu hồi than, giảm tỷ lệ tổn thất than; đàm phán với các đối tác để giảm tối đa các đơn giá thuê ngoài, giảm giá mua vật tư, phụ tùng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện công tác điều hành sản xuất, tăng cường công tác quản trị, tiết giảm các định mức vật tư, chi phí quản lý, sản xuất chung,… tạo văn hoá chi tiêu tiết kiệm trong mọi lĩnh vực. 

Về đầu tư, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo rà soát, cắt giảm các dự án, hạng mục đầu tư chưa cấp bách; chỉ giữ lại các dự án, hạng mục chính phục vụ trực tiếp cho sản xuất, các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn, của các đơn vị. Có những dự án đã phê duyệt nhưng do tình hình khó khăn phải tạm giãn, tạm dừng một thời gian để xem xét. 

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển, chỉ đạo các đơn vị thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, đạt lợi nhuận định mức; tăng cường đầu tư cơ giới hóa để tăng năng suất lao động, giảm thiểu tai nạn và sự cố; cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở, đi lại cho công nhân.

Thăm dò bể than Đông Bắc, phấn đấu đến cuối năm 2015 khảo sát xong phần tài nguyên và trữ lượng than thuộc tầng trên mức - 300m và một số khu vực dưới mức - 300m, bảo đảm đủ tài nguyên và trữ lượng than huy động vào khai thác trong giai đoạn đến năm 2020. Đối với bể than đồng bằng sông Hồng, sẽ lựa chọn một số diện tích chứa than có triển vọng, điều kiện địa chất mỏ đặc trưng; hạn chế thấp nhất việc gây ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và ô nhiễm môi trường. Bảo đảm cung cấp than phục vụ tối đa nhu cầu trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đến năm 2015, đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện với tổng công suất phát điện đạt 1.600 MW. Sản lượng than thương phẩm đến năm 2015 đạt 50 triệu tấn. Trong muôn vàn khó khăn, nhưng với tình thần “Kỷ luật - đồng tâm, đoàn kết”, tôi tin ngành than sẽ từng bước vững vàng vượt qua khó khăn.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

 

 

Theo Tạp chí Cộng sản

 


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 558
Đã truy cập: 3297547